TƯ TỀ


Bình sanh niệm Phật, quán mi hào
Chẳng học tham thiền, đã có sao?
Chỉ được năm hồ trăng gió mát
Thái bình khỏi đụng đến gươm đao!



Tư Tề đại sư, họ Dụ, quê ở Tiền Đường. Trên bước hành đạo, ngài thọ học kinh Pháp Hoa với đức Tạng Anh pháp sư. Kế đó tinh tấn tu tịnh nghiệp, ngày khóa tụng Quán kinh, rồi ngồi yên lặng lòng quán tưởng, kế tiếp niệm hồng danh Phật A Di Đà.

Niên hiệu Đại Quán năm đầu đời Tống, đại sư lập ngôi tinh xá ở cửa bắc ải Phủ Trị. Mượn nhân duyên đó, ngài tiếp đãi tăng chúng các nơi, tạo phước nghiệp, trai tăng đến ba trăm vạn người, về sau nơi ấy được mở  rộng, đổi thành cảnh chùa thập phương. Đầu niên hiệu Tuyên Hòa, gặp cơn binh lửa tràn lan, đại sư tự đến chỗ giặc, nguyện đem thân mình thế mạng sống cho dân chúng trong thành. Tướng giặc kinh sợ và cảm động, dời binh đi nơi khác.

Đại sư có hoa tay vẽ rất khéo, nên được nhiều người nhờ họa tượng Phật. Mỗi lần sắp vẽ, trước tiên ngài vào ngồi yên trong thất niệm Phật, rồi quán tưởng thánh tướng rất lâu, sau mới hạ bút. Một hôm khi họa xong tượng A Di Đà cao một trượng sáu, ánh sáng từ nơi tượng Phật chiếu ra rực rỡ. Đại chúng trong chùa nghe biết đều đến chiêm lễ. Lễ xong, trong giây phút quang minh mới tắt. Do đó người đương thời xưng ngài biệt hiệu là Dụ Di Đà.

Có vị tăng hỏi: “Đã là bậc danh đức, tại sao đại sư lại không tham thiền?” Ngài đáp bằng một bài kệ:

 

Bình sanh niệm Phật, quán mi hào
Chẳng học tham thiền, đã có sao?
Chỉ được năm hồ trăng gió mát
Thái bình khỏi đụng đến gươm đao!

 

Mùa đông năm Thiệu Hưng thứ bảy, đại sư ngồi nghiêm chỉnh, yên lặng quán tưởng Phật luôn suốt bảy ngày. Đến bữa cuối, bỗng đứng lên đốt hương cúng dường Phật, rồi trở lại tòa ngồi kiết già mà hóa. Trải qua bảy ngày, nơi đảnh còn nóng, hương lạ không tan.

Comments

Popular posts from this blog