TRI TUYỀN


Hoa nở đầy cây hồng,
Hoa rụng muôn cành không.
Chỉ còn lưu một đóa,
Ngày mai theo gió đông!


Bầu non Cửu Lũng tìm tri thức,
Dưới cội song tùng gặp Nặc Ca.
Lành dữ đến đầu, khôn lẩn tránh,
Khuyên ai đừng kết, giải oan gia!



Tri Tuyền pháp sư, tự Hậu Giác, họ Trần, người ở Châu, huyện Hồng Nhã. Năm lên bảy tuổi vào tiết xuân thấy cây hoa trước nhà đang tươi nở, nội tổ bảo vịnh một bài thi, ngài liền khẩu chiếm rằng:

Hoa nở đầy cây hồng
Hoa rụng muôn cành không.
Chỉ còn lưu một đóa
Ngày mai theo gió đông!

Nội tổ nghe xong chẳng vui bảo: “Ta hy vọng lớn lên sẽ đoạt khôi nguyên, nối giòng khoa hoạn, nào ngờ ý hướng mi lại vào chốn không môn!” Lại một hôm, ngài theo mẹ đến chùa Ninh Di nghe giảng kinh Niết Bàn, liền thông suốt dường như đã học tập sẵn từ kiếp trước. Đêm ấy, năm mơ thấy Phật đưa cánh tay sắc vàng xoa nơi đảnh đâu. Năm mười một tuổi ngài xuất gia. Thầy dạy cho kinh luật luận, đều thông đạt đến chỗ mầu nhiệm. Năm mười ba tuổi đã lên pháp tòa giảng kinh, hàng tín chúng xuất gia đều tín phục.

Triều Tuyên Tôn đời Đường, Pháp sư được sắc chỉ vời đến kinh đô. Sau cuộc hỏi đạo, vua cả đẹp, ban cho, áo Từ ca sa. Ngài tâu xin trùng tu các ngôi chùa hư phế trong thiên hạ, được chuẩn tấu. Kế đó Pháp sư trở về non cũ tu hành.

Lúc ở kinh sư, trọ nơi ngôi chùa nọ, ngài có quen với một vị tăng. Vị ấy mang bịnh cùi, đại chúng đều xa lánh, riêng Pháp sư vẫn thân hậu không tỏ vẻ chán, lại thường săn sóc hỏi han. Lúc chia tay, vị tăng cảm mến hạnh, căn dặn rằng: “Ngày sau ông gặp nạn, nên tìm tôi nơi Cửu Lũng Sơn, tại Bành Châu, đất Tây Thục. Chỗ tôi trú là ngôi chùa ở gần hai bên cội thông cao lớn!”

Triều Hy Tôn, Pháp sư lại được triệu đến kinh đô, trụ trì chùa An Quốc. Vua mến trọng đạo đức, phong cho ngài hiệu là Ngộ Đạt quốc sư. Đến triều Ý Tôn, ân sùng lại càng hậu, vua thân lâm pháp tịch nghe giảng kinh, ban cho ngài tòa trầm hương để ngồi. Từ đó, nơi đầu gối của Pháp sư bỗng sanh ra ghẻ mặt người, đủ cả mày, mắt, mũi, miệng, răng. Đem vật thực đưa cho, ghẻ há miệng mà ăn, giống như người không khác. Các danh y đếu bó tay, không chữa trị được. Đang lúc đau đớn, Pháp sư bỗng nhớ lời vị tăng khi trước, liền rời chùa đi tìm. Đến Cửu Lũng Sơn, sắc trời đã tối ngài còn đang bàng hoàng nhìn xung quanh, bỗng thấy hai cội thông cao to ẩn xa xa trong vùng mây khói, liền rảo bước đến. Tới nơi, gặp ngôi già lam rất lớn, lầu cao điện rộng, màu kim sắc bích ánh sáng giao xen, vị tăng khi xưa đứng đón chờ nơi cổng. Sau khi mừng rỡ hỏi chào, vào chùa uống trà tiếp chuyện, Pháp sư đem cảnh bịnh khổ tỏ bày. Vị tăng bảo: “Không ngại chi, bên chùa có dòng suối, sáng ngày ra đó rửa, tất sẽ được lành!” Rạng mai, vị tăng sai đồng tử dẫn Pháp sư ra suối. Khi ngài sắp vốc nước để rửa, bỗng nghe ghẻ mặt người nói: “Hãy khoan! Ngài là bậc thức đạt sâu xa, từng đọc các sách thời Tây Hán, có nhớ chuyện Viên Án và Triều Thố chăng?” Pháp sư đáp: “Đã có đọc qua”. Ghẻ nhơn diện nói tiếp: “Ngài từng biết Viên Án tâu xin chém ngang lưng Triều Thố nơi cửa chợ đông, sự oan ức ấy là thế nào rồi chứ! Ngài là thân sau của Viên Án, còn Triều Thố là tiền kiếp của tôi. Từ đó đến nay, tôi mãi theo ngài để chờ dịp báo thù. Nhưng trải qua mười kiếp, ngài đều làm cao tăng, giới hạnh tinh nghiêm, nên tôi không báo oán được. Kiếp nầy ngài thọ ân sủng của vua quá hậu, móng khởi niệm lợi danh, đối với đức hạnh có tổn, nên tôi mới được dịp làm hại. Nay nhờ bậc thánh tăng là Ca Nặc Ca Tôn giả dùng nước tam muội rửa sạch tiền khiên, nên tôi cùng ngài từ đây về sau không còn oan trái nữa!” Pháp sư nghe qua kinh động, hồn bất phụ thể, vội vốc nước lên rửa, cảm thấy đau nhức tận xương tủy, liền ngã xuống chết giấc. Giây lâu rồi tỉnh, nhìn lại ghẻ nhơn diện đã biến mất, chỗ đầu gối lành lặn như xưa. Trông khắp xung quanh, ngôi chùa, hai gốc thông, cả dòng suối đều ẩn dạng. Ngài ngẫm nghĩ biết vị tăng đó là A la hán Ca Nặc Ca, cảnh trí ấy do sức thần thông của Tôn giả hóa hiện. Pháp sư cảm ân cứu độ, lập ngôi am tại đây để lưu niệm, về sau lần lần thành cảnh chùa to. Đến đời nhà Tống được vua sắc phong là Chí Đức Thiền Tự. Nhắc đến sự việc nầy, hậu nhơn có thi bình luận rằng:

Bầu non Cửu Lũng tìm tri thức,
Dưới cội song tùng gặp Nặc Ca.
Lành dữ đến đầu, khôn lẩn tránh,
Khuyên ai đừng kết, giải oan gia!

Sau khi ấy, Ngộ Đạt quốc sư hồi kinh. Xót vì nợ tiền khiên đeo đẳng, Pháp sư soạn ra bộ Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, để hằng ngày tự sám hối. Ngài nghĩ lo sợ mình đã mười kiếp làm cao tăng, tham thiền lễ tụng, mà không giải được túc nghiệp, liền phát tâm niệm Phật hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc. Pháp sư tánh thiểu dục, biết vừa đủ, quá ngọ không ăn, sáu thời hành đạo. Vì thế nên hằng cảm được điềm lành. Một hôm, ngài nghe giữa hư không có tiếng bảo: “Quyết định được sanh về Cực Lạc!” Hỏi ai nói, đáp là Phật. Lại một hôm trong cơn định, ngài thấy có vị Bồ Tát tướng đẹp trang nghiêm giáng xuống giữa sân, dặn dò khen ngợi và thuyết pháp rất mầu. Phủ dụ. xong, đại sĩ liền ẩn mất.

Lúc lâm chung, Pháp sư di chúc dạy đem bỏ tử thi bố thí cho loài chim cá, và nói: “Từ lâu ta đã ước hẹn ngày về Tây phương Tịnh độ, nay đã đến thời”. Nói xong, nằm nghiêng, bên phải, day mặt về Tây mà tịch. Thọ được 73 tuổi.

Comments

Popular posts from this blog