TÔNG ĐẢN


Bảy mươi sáu tuổi hưởng duyên lành,
Tứ đại phân ly một niệm thanh.
Tịnh độ cõi mầu về lễ Phật,
Thoát tam giới khổ, chứng Vô sanh!



Đời Tống, Tông Đản pháp sư, họ Thân, người ở Lộ Châu, huyện Lê Thành, xuất gia năm mười sáu tuổi. Sau khi thọ giới Cụ túc, ngài đi tham học bậc danh sư, rộng thông về tam tạng giáo nghĩa.

Từ đó về sau, trong năm mươi năm, Pháp sư đi giảng kinh khắp nơi, tiếng tâm lừng lẫy. Lúc tuổi già, lại chuyên giảng các kinh Tịnh độ khuyên người niệm Phật cầu sanh An Dưỡng. Thính chúng hội về đông như mây, tất cả đều tu tịnh nghiệp. Sau ngài về Trấn Thanh Đài ở Đường Châu, sớm hôm tinh tấn quán tưởng trì danh, cầu sanh Cực Lạc? Niên hiệu Chánh Hòa thứ tư, vào tiết mạnh hạ, ngày hai mươi bảy, Pháp sư nằm mơ thấy Phật A Di Đà hiện thân bảo: “Ngươi thuyết pháp thêm sáu ngày nữa, sẽ được sanh về Tịnh độ!” Thức giấc Pháp sư đem điềm ấy thuật lại cho chúng biết. Hôm sau, ngài thăng tòa giảng diễn liên tiếp. Tới cuối đêm mùng bốn tháng năm, Pháp sư biết thời khắc đã đến, đánh chuông nhóm chúng dạy rằng: “Nhân duyên tan hợp, vẫn tự có thời, Tịnh độ duyên mầu, chẳng nên luống uổng! Xin đại chúng đồng chắp tay niệm Phật, đưa tôi về Tây phương”. Liền nói kệ rằng:

 

Bảy mươi sáu tuổi hưởng duyên lành,
Tứ đại phân ly một niệm thanh.
Tịnh độ cõi mầu về lễ Phật,
Thoát tam giới khổ, chứng Vô sanh!

 

Thuyết xong, an nhiên ngồi thoát hóa giữa tiếng niệm Phật. Lúc ấy mây trắng hiện ra che khắp mặt đất, tiếng sấm liên tiếp nổ vang cả trong ngoài. Mây lành từ phương tây kéo đến bao phủ tịnh thất, ba ngày sau mới tan.


LỜI BÌNH: -Phật pháp ý nghĩa bao la rộng rãi như mây. Lời pháp có công năng thức tỉnh mê tình, như tiếng sấm to làm cho mọi người cảnh giác. Cho nên tiếng pháp cũng gọi là Vân lôi âm. Người trước có câu: “Vang chuông dạ nguyệt nơi thiền viện. Dậy tiếng vân lôi chốn mộng thành!” Ngài Tông Đản nhiều năm thuyết pháp với tâm nguyện giác ngộ quần sanh. Do nhân lành ấy nên khi lâm chung cảm quả mây hiện sấm nổ, được sanh về Tây phương. Điểm nầy chứng tỏ thuyết: “Các pháp do tâm tạo” trong đạo Phật.

Comments

Popular posts from this blog