THÂN TƯỚNG
Dưới đây là thuật theo lời của Đức
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh
Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Phật Thuyết A Di Đà.
TƯỚNG HẢO CỦA A DI
ĐÀ PHẬT
Thân của Đức A Di Đà Phật như trăm nghìn
muôn ức lần sắc vàng diêm phù đàn của trời Dạ Ma, cao sáu mươi muôn
ức na-do-tha hằng hà sa do tuần. (Na-do-tha : Đồng với số ức của ta. Hằng hà sa : một số lớn, nhiều như toàn số cát trong lòng sông Hằng.Do tuần, có ba hạng : 40 dặm tàu, 60 dặm, 80 dặm.) Lông trắng giữa đôi mày uyển chuyển xoáy tròn về phía
hữu như năm trái núi Tu Di. Đôi mắt trắng và xanh biếc phân
minh như bốn đại hải. Các lỗ chân lông nơi thân đều phóng ánh
sáng như núi Tu Di. Viên quang của Phật như trăm ức cõi Đại
thiên. Trong viên quang có trăm muôn ức na-do-tha hằng hà
sa vị Hóa Phật. Mỗi Hóa Phật lại có vô số hóa Bồ
Tát theo hầu.
Thân mình của Đức Phật có tám muôn bốn nghìn
tướng tốt, mỗi tướng có tám muôn bốn nghìn tùy hình hảo. Mỗi hình hảo có
tám muôn bốn nghìn tia sáng. Mỗi tia sáng chiếu khắp thập
phương thế giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật không bỏ
rời.
Sắc đẹp của những tia sáng, cùng với Hóa Phật,
không thể dùng lời mà tả xiết...
Muốn quán tướng hảo của Phật, thời
nên quán tưởng lông trắng giữa đôi mày trước. Nếu tướng lông trắng hiện
rõ, thời bao nhiêu tướng hảo khác, tự lần lượt hiển hiện.
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT
Đức Quan Thế Âm là
vị đại Bồ Tát thường hầu cận phía tả của Đức Từ Phụ, và Đại
Thế Chí Bồ Tát, vị hữu dực. Hai vị Đại sĩ giúp Đức Từ
Phụ những việc giáo hóa trong cõi, cùng phân thân khắp mười
phương để cứu khổ mọi loài, và rước
người có tịnh duyên về Cực Lạc Tịnh Độ. Dưới đây là thân tướng thật của Bồ
Tát, thuật theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ngoài ra những hình khác
như người đời thường nhận thấy, đều là thân ứng hiện theo cơ
cảm của chúng sanh thôi.
Thân của Quan Thế Âm Bồ Tát cao tám
mươi muôn ức na-do-tha do tuần, da màu vàng tử kim. Trên đỉnh đầu
có nhục kế. Có vầng sáng tròn mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần. Trong
vầng sáng tròn ấy có năm trăm vị Hóa Phật, mỗi vị Hóa Phật tướng
tốt như Phật Thích Ca Mâu Ni và có năm trăm vị Hóa Bồ
Tát chầu chực.
Toàn thân ánh sáng chiếu suốt mười
phương, hình tướng của tất cả chúng sanh trong lục đạo đều
hiện rõ bóng trong ánh sáng ấy.
Trên đầu Bồ Tát có thiên quan.
Trong thiên quan có một vị Hóa Phật cao hai mươi
lăm do tuần.
Mặt Bồ Tát sắc vàng diêm phù đàn.
Lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu báu đẹp, chiếu ra
tám muôn bốn nghìn thứ tia sáng thấu khắp mười phương. Trong mỗi tia
sáng có vô số vị Hóa Phật và vô số Hóa Bồ
Tát.
Cánh tay của Bồ Tát màu như hoa
sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuỗi ngọc.
Bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng. Đầu ngón tay có tám muôn bốn
nghìn lằn chỉ. Mỗi lằn chỉ, có tám muôn bốn nghìn tia sáng. Tia
sáng ấy dịu dàng chiếu sáng mười phương.
Quan Thế Âm Bồ Tát dùng bàn tay báu
này tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc.
Lúc Bồ Tát cất chân lên, từ nơi nghìn xoáy
chỉ ở lòng bàn chân tự nhiên hóa thành năm trăm ức quang
minh đài. Lúc Bồ Tát để chân xuống thời tự
nhiên bông kim cương như ý rưới khắp mọi nơi.
Muốn quán tướng hảo của Bồ Tát, thời
nên bắt đầu quán thiên quan trước, rồi sẽ tuần tự quán các
tướng khác...
ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
Thân lượng của Đại Thế Chí Bồ Tát đồng như
thân lượng của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Viên quang nơi cổ mỗi
phía rộng 125 do tuần, chiếu xa 250 do tuần. Ánh sáng của toàn
thân màu vàng tử kim chiếu thấu thập phương thế giới, người có duyên
liền được thấy. Chỉ thấy được ánh sáng nơi một lỗ chân lông của Bồ Tát, thời
liền được thấy quang minh tịnh diệu của vô lượng chư
Phật ở mười phương. Vì thế nên Bồ Tát có hiệu là Vô Biên Quang.
Bồ Tát dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp
mọi loài, làm cho chúng sanh thoát khỏi tam đồ đặng
thành vô thượng lực nên lại hiệu là Đại Thế Chí.
Thiên quan của Bồ Tát có năm
trăm bảo hoa. Mỗi bảo hoa có năm trăm bảo đài. Hình tướng những thế
giới tịnh diệu của chư Phật ở mười phương đều hiện rõ bóng
trong mỗi bảo đài.
Trên đỉnh đầu, nhục kế hình như hoa
sen hồng. Trên nhục kế có một chiếc bình báu đầy ánh sáng. Ánh
sáng trong bình chiếu ra thành những Phật sự. Ngoài ra những tướng
hảo khác đều giống như đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Lúc Đại Thế Chí Bồ Tát đi thời chấn động cả thập
phương thế giới. (Dưới đây là một truyện tích trích trong bộ “Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược” để chứng thật lúc Bồ Tát đi thời chấn động cả thế giới.) Chính chỗ đất động đó có năm trăm ức bảo hoa. Mỗi bảo
hoa cao đẹp trang nghiêm như Cực Lạc thế giới.
Lúc Bồ Tát ngồi, toàn cõi Cực Lạc đồng
thời lay động. Từ thế giới của Đức Kim Cương Phật ở Hạ
phương đến thế giới của Đức Quang Minh Vương Phật ở Thượng
phương, trong đó vô lượng trần số phân thân của Vô Lượng
Thọ Phật, phân thân của Quan Thế Âm cùng của Đại Thế
Chí tất cả đều vân tập nơi Cực Lạc thế giới, đông chật cả hư
không. Mỗi phân thân đều ngồi tòa sen báu, đồng diễn
nói diệu pháp, cứu khổ chúng sanh...
ÔNG LÝ TRIỆU ĐẢI
Lý Triệu Đải người Ung Châu, ông rất tin tưởng đức Đại
Thế Chí Bồ Tát và siêng niệm Phật.
Thân phụ của ông không tin Phật pháp,
hay bài bác. Ít lâu, thân phụ ông bỗng mang bệnh thổ huyết chết.
Ông Đải lên cốt tượng đức Đại Thế Chí bằng
vàng cao ba thước (thước tàu) để hồi hướng cầu vong
linh thân phụ được siêu độ. Ngày khởi sự trổ tượng, khắp mặt đất
bỗng rung động.
Hai tháng sau, cốt tượng hoàn thành. Đêm ấy,
trong khi ngủ, ông Đải thấy một người thân ánh sắc vàng, đầu đội thiên
quan bảo rằng : “Ngươi biết đất rung động hôm trước đó là cớ chi
không ? Ta chính là Đại Thế Chí Bồ Tát đây. Ngươi lên cốt tượng nên ta đến chứng
minh. Lúc ta bước chân đi thời cả đại thiên đều chấn động. Nhiều chúng
sanh trong ác đạo được thoát khổ. Ta nương pháp môn niệm Phật mà
chứng vô sanh nhẫn, nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật ở mười
phương. Nhờ ngươi lên cốt tượng và siêng niệm Phật,
nên thân phụ ngươi được ra khỏi địa ngục, ta đưa tay dắt về Tịnh
Độ.”.
Nghe Bồ Tát dạy xong, ông Đải vội cúi đầu đảnh lễ. Chợt tỉnh giấc. Trong lòng vui mừng cảm động vô ngần. Từ đó sự tu niệm của ông càng tinh cần hơn.
Comments
Post a Comment