NGÔ QUỲNH
Nâng chén rượu không không
Còn hỏi chi Thiền tông?
Ngày nay xin trân trọng
Gió mát lại trăng trong!
NGÔ QUỲNH
Ngô
Quỳnh, người trong hạng thường dân, chưa rõ xuất xứ. Trước tiên ông xuất gia
làm tăng, rồi hoàn tục đi nấu bếp cho người. Mỗi khi xắt thịt, miệng ông xưng
Phật hiệu không ngớt và thường dạy người trong làng tụng kinh tu sám, niệm A Di
Đà Phật.
Về sau, dưới mí mắt Ngô Quỳnh đột nhiên
sanh một bướu bọc lớn bằng trứng gà. Ông kinh sợ, giao tất cả việc nhà cho vợ
con, rồi cất một túp am tranh, ngày đêm chuyên niệm Phật. Mùa thu năm Thiệu
Hưng thứ 23 đời Tống, ông đi khắp nơi thăm viếng và bảo người trong làng rằng:
“Ngày mai vào giờ Tuất, Ngô Quỳnh sẽ về Tây phương!” Mọi người nghe nói đều cười.
Chiều tối hôm sau, ông lại đi mời các bạn đồng tu, nói: “Đã sắp đến giờ vãng
sanh, xin hoan hỷ tới trợ niệm cho tôi!” Khi các đạo hữu tề tựu, ông mặc áo vải,
vòng tay từ giã mọi người, kế rót rượu ra chén bưng uống hết, rồi viết bài kệ
lưu lại như sau:
Nâng chén rượu không không
Còn hỏi chi Thiền tông?
Ngày nay xin trân trọng
Gió mát lại trăng trong!
Viết xong, ngồi kiết già ngay thẳng, chắp
tay niệm Phật. Các đạo hữu cũng đồng niệm theo. Độ giây phút, ông bỗng to tiếng
nói: “Đức Phật A Di Đà đã đến!” Liền nhắm mắt mà thoát hóa.
Comments
Post a Comment