NGỘ LINH
Ngựa gỗ hí
gom mây mặt bể
Trâu bùn rống lọt nguyệt lòng sông.
NGỘ LINH
Thích Ngộ Linh, hiệu Huyễn Như, con nhà
họ Kim Hải Xương tỉnh Triết Giang. Từ thuở bé, sư đã có chí xuất trần, thấy Phật
liền cúi lạy. Đến chín tuổi nhân hay đau yếu, xin với cha mẹ cho mình xuất gia.
Được chấp thuận, sư xuống tóc nơi chùa An Quốc, lễ Thượng tọa Tượng Lũng làm thầy,
về sau lại thọ giới Cụ túc tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng châu.
Bấy giờ ngài Tất Đàn Thuần đang mở hội
Niệm Phật tại Lưu Thủy Cư ở Tô Châu. Ngộ Linh nghe biết đến xin tham dự, sáu thời
trì niệm không biếng trễ. Kế tiếp sư tuần tự lễ các kinh: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa,
Kim Cang, Viên Giác, mỗi chữ một lạy. Thuần công thấy hai lòng bàn chân của sư
đầy đặn bằng phẳng, liền truyền cho y phất. Đối với pháp môn Tịnh độ, Ngộ Linh
tin chắc không dời đổi nghi ngờ. Cha mất sớm, sư khuyên mẹ là Châu thị niệm Phật
cầu vãng sanh. Sau quả nhiên bà mẹ không bịnh, niệm Phật mà thoát hóa. Người
anh của sư là Liên Ẩn thấy thế, cảm động quyết chí xuất gia.
Sau khi Thuần công thị tịch, Ngộ Linh nối
tiếp hoàng hóa ở Nam Thiền ba năm, rồi về quy ẩn nơi am Vi Đà tại Tòng Giang.
Nơi đây sư cùng anh là Liên Ẩn nương náu trong vài gian am tranh thanh vắng, lấy
niệm Phật làm nhựt khóa. Một đêm khi đang thiền quán, Ngộ Linh thấy các ngôi
sao trên trời từ bốn phương tụ họp lại thành bốn chữ ức Phật Niệm Phật. Mỗi chữ
đều vuông rộng hơn một trượng, ánh sáng rực rỡ chói lòa. Từ đó đôi mắt của sư lấp
lánh có thần quang, kẻ tăng tục cho đến hàng nông mục công thương, trông thấy đều
sanh lòng kính mến. Số người cảm hóa niệm Phật theo không dưới vài ngàn.
Ngộ Linh đã chuyên chí nơi tịnh nghiệp,
nghĩ đến lúc sau khi bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ra đời, từ đó tới giờ bậc cao hạnh
niệm Phật cũng nhiều, chẳng nên để cho mai một. Vì thế sư ra công sưu tầm dò hỏi
các sự việc vãng sanh, góp lại viết thành một quyển nhan đề là Nhiễm Hương Tập.
Tập nầy ghi chép từ đầu năm Gia Khánh trở về sau, những vị nhiễm hương niệm Phật
được vãng sanh đều không bỏ sót, trải năm năm mới hoàn thành, và khắc bản cho
lưu hành nơi đời. Mùa xuân niên hiệu Đạo Quang thứ tám, sư bị bịnh nấc hơi, biết
mình không sống lâu, liền cho mời các hàng liên hữu đến khuyến tấn và định hạn
kỳ giã biệt. Sư lại tự đặt cho mình hai câu đối để nơi Ảnh đường như sau:
Nê ngưu hống lạc giang tâm nguyệt
Mộc mã tê quy hải thượng vân.
(Ngựa gỗ hí gom mây mặt bể
Trâu bùn rống lọt nguyệt lòng sông)
Kế đó Ngộ Linh tuyệt thuốc thang, một
lòng niệm Phật cầu sanh. Sang tháng năm bịnh tăng nhiều, có ai đến viếng thăm,
sư chỉ bảo: “Sống chết là việc lớn lao, mỗi người phải tự gắng sức!” Rồi lâm
râm niệm Phật, không đề cập đến việc chi khác. Tới ngày mười bảy, sư ngồi ngay
thẳng hướng về Tây niệm Phật. Có vị Tăng hỏi: “Một câu sau rốt (mạc hâu cú) khi
sắp đi là thế nào?” Sư đáp: “A Di Đà Phật!” Giây lát, tiếng niệm Phật thấp nhỏ
lần rồi lặng lẽ mà hóa, tuổi đời được sáu mươi mốt, tăng lạp ba mươi lăm. Ba
ngày sau mới nhập khám, dung mạo còn tươi như sống.
Comments
Post a Comment