MÃ VINH TỔ


Gắng siêng năng tinh tấn
Tu tịnh nghiệp không nhơ.
Nhân sâu thì quả thật
Dè dặt chớ nghi ngờ!

Các pháp từ tâm sanh
Lại hoàn từ tâm diệt.
Chân tánh nguyên vẫn không
Lấy, bỏ chẳng thể được!

Ngươi đã đôi phần thông
Phật, chúng sanh tâm đồng
Như huyễn tam ma đ
Ví như cảnh trong mộng.



MÃ VINH TỔ

 

Cư sĩ Mã Vinh Tổ, tự Trử Lương, quê ở Tú Thủy tinh Triết Giang. Lúc bé ông tỏ ra có văn tài, lên mười lăm tuổi được bổ vào hàng chư sanh. Cha mẹ mất sớm, Vinh Tổ thờ kế mẫu rất hiếu cẩn. Đến ba mươi tuổi, ông mang bịnh lạc huyết. Trải năm năm bịnh càng thêm nặng, ăn vào liền mửa ra.

Có Tăng sĩ Tường Phong, khi chưa xuất gia là bạn quen với Vinh Tổ ghé viếng thăm. Lúc ấy sư vừa đi tham học trở về, túc huệ mở sáng, tín giải thông suôt. Vinh Tổ nghe lời sư luận giảng lấy làm lạ, nhân hỏi đến phương pháp trừ bịnh. Tường Phong đáp: “Bịnh của đạo hữu là do túc nghiệp, không phải thuốc thang chữa trị được. Nếu đạo hữu có thể buông bỏ muôn duyên chuyên lòng niệm Phật, lâu ngày công sâu, thì vô minh nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay lần lần dứt sạch. Chừng ấy căn bịnh luân hồi sống chết còn giải thoát được, huống nữa là thân bịnh nào đáng lo gì!” Vinh Tổ nghe nói giật mình tỉnh ngộ, bèn thường trai tu tịnh nghiệp. Từ đó bịnh cũng lần lần thuyên giảm.

Trước thời gian ấy, Mã Vinh Tổ nằm mộng thấy giữa hư không nổi lên vô số chữ Thọ phóng ánh sáng rực rỡ. Ông duyệt xem sách Phật thấy nói: A Di Đà dịch là Vô Lượng Thọ, cũng gọi là Vô Lượng Quang. Bấy giờ nghĩ lại thấy điềm mộng ứng họp, càng tự mừng thầm, cho là mình có túc duyên với môn Tịnh độ. Kế tiếp ông đọc qua kinh Pháp Bảo Đàn, khế hội được nguồn tâm, càng thêm nổi vui mừng cảm hối. Sau Vinh Tổ tới chùa Đại Giác Lâm ở Sơn Âm thọ tam quy ngũ giới, mỗi ngày đều tụng kinh Kim Cang, Di Đà, niệm Phật ba muôn câu, lại kiêm tu tịnh quán. Lúc rảnh rỗi, cư sĩ lại mời các liên hữu tập hợp tại nhà, tổ chức niệm Phật suốt ngày đêm.

Niên hiệu Càn Long thứ 56, vào hạ tuần tháng giêng, Vinh Tổ từ Tô Châu trở về vừa đúng một tháng thì cảm bịnh. Đến đầu tháng ba cư sĩ đau nằm nơi giường không chỗi dậy được, bảo bạn thân rằng: “Tôi từ ba mươi lăm tuổi phát lòng Bồ đề, chỉ cầu nghiêm tịnh cõi Phật, lợi ích chúng sanh, sự vinh hoa của ngôi khanh tướng xem đồng như đôi dép rách. Nay thân tuy mang chứng trầm kha, song một tâm niệm an vui chưa từng biến cải. Hiện tại chỉ chuyên giữ chánh niệm, chờ khi mạng chung sanh thẳng về Tây phương mà thôi!” Một ông bạn hỏi: “Anh mất đi rồi, trong nhà nheo nhóc vài miệng ăn, lấy ai giúp đỡ?” Cư sĩ đáp: “Đó đều thuộc về duyên phước của mỗi người, sức tôi không thể kham được!” Tới chiều ngày mười tám, ông bảo: “Ngày mai phải đại sám hối!” Sáng hôm sau, cư sĩ gắng gượng chỗi dậy mặc áo tràng lễ Phật sám hối, rồi ngồi hương về phương Tây niệm Phật vài trăm câu, kế quì đọc bài văn phát nguyện của ngài Liên Trì, mới trở về giường nằm. Ba hôm nữa, lại nói: “Tây phương Tam Thánh hiện thân ở trước, vì tôi nói pháp. Tôi thường ở trong ánh sáng chói suốt rực rỡ!” Qua ngày sau lại bảo: “Bồ Tát dùng tịnh thủy rưới nơi thân gội rửa túc khiên, khiến cho tôi được mát mẻ, sự an vui không thể tả!” Tới chiều, một liên hữu là Trầm Hồng Điều viếng thăm, hỏi có niệm Phật không, và nhắc bảo đừng nên trước tướng. Cư sĩ đáp: “Vân niệm, tức tâm tức Phật có chi là trước tướng!” Kế đó lại tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài chén nước trà, hai hôm sau rốt duy uống nước trong mát mà thôi. Ngày hai mươi chín tháng ba, vào giờ Ngọ, cư sĩ bảo người nhà rằng: “Đức Phật đã đên tiếp dẫn!” Nói xong liên tiếp niệm Hông danh, rồi nằm nghiêng bên hữu mà vãng sanh, hưởng dương được bốn mươi tám tuổi. Ông không con, di chúc cho lập hậu.

Bấy giờ Hòa thượng Tường Phong bế quan tại Văn Tinh Các ở Tô châu, đang tu môn Niệm Phật tam muội. Mùa đông năm ấy, một đêm Ngài nằm mộng thấy ba vị vào thất, ngồi ở hướng nam day mặt lại. Trong đó, chính giữa một vị xuất gia, hai bên là cư sĩ, phong nghi thần thái trang nghiêm, nơi đầu đều có viên quang bao phủ. Tường Phong đảnh lễ rồi hỏi: “Ba tôn đức ở đâu lại đây? Vị mặc tăng phục nói: “Chúng ta từ cõi Tây phương đến!” Hòa thượng lại hỏi: “Có phải chư vị là người ở thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà chăng?” Vị Tăng đáp: “Phải!” Tường Phong thưa hỏi danh tánh,ba vị không đáp chỉ hỏi lại: “Ngươi pháp danh là chi?” Hòa thượng đáp: “Đệ tử pháp danh Đạt Văn”. Vị Tăng bảo: “Sao lại vọng ngữ?” Tường Phong thưa: “Quả đúng như thế không phải vọng!” Vị Tăng hỏi lại như trước. Hòa thượng cũng đáp y như vậy. Tăng sĩ cũng bảo: “vẫn còn vọng ngữ!” Tường Phong thưa: “Đệ tử nói thật chẳng phải giả dối, tại sao tôn đức lại bảo rằng vọng ngữ?” Vị Tăng nói: “Tất cả chúng sanh lấy vọng làm chân, chấp giả làm thật, nên mới bị luân hồi. Nếu bậc có trí, biết muôn pháp đều là hư vọng giả danh, thì không còn luân chuyển. Ngươi chớ tự mê muội để lạc mất chân tâm. Nên hiểu chân tâm không tâm, chân tri không biết, có hiểu biết tức là ma. Đức Phật là đấng linh tri vô tri, ngươi nên tin nhận chớ đem lòng nghi hoặc!” Sau lời ấy, Tường Phong bỗng khai ngộ liền thưa: “Lời của tôn đức dạy, chính thật là pháp Phật không thể nghĩ bàn! Tôn đức từ cõi Cực lạc đến, dám xin hỏi: đã tường thấy Phật A Di Đà chăng?” Vị bên tả đáp: “Nếu ta nói với ngươi, chưa chắc ngươi đã tin. Phải tự mình trông thấy mới được!” Kế đó cả ba đồng đứng dậy, mỗi vị đều vỗ nơi đầu Tường Phong một cái, và lần lượt nói kệ rằng:

 

Gắng siêng năng tinh tấn
Tu tịnh nghiệp không nhơ.
Nhân sâu thì quả thật
Dè dặt chớ nghi ngờ!


Các pháp từ tâm sanh
Lại hoàn từ tâm diệt.
Chân tánh nguyên vẫn không
Lấy, bỏ chẳng thể được!

 

Ngươi đã đôi phần thông
Phật, chúng sanh tâm đồng
Như huyễn tam ma đ
Ví như cảnh trong mộng.

 

Thuyết kệ vừa xong, bỗng thấy Mã Vinh Tổ nghiêm chỉnh oai nghi, đảnh lễ ba vị. Cả ba liền vượt lên hư không hướng về Tây bay đi. Lúc ấy không trung nổi lên âm nhạc rền vang, tiếng niệm Phật bổng trầm thanh thoát. Vinh Tổ lại hướng về Tường Phong lễ ba lạy rồi thưa: “Nhờ đại đức khuyên tôi tu tịnh nghiệp, quy y Tam bảo, nên đã hân hạnh được sanh về Tây phương, thọ sự an vui lợi ích lớn. vì thế tôi thỉnh cầu Bồ Tát đến đây diễn nói diệu pháp, để đền đáp thâm ân!” Nói xong đảnh lễ giã từ ba lạy nữa, rồi chắp tay niệm Phật bay về Tây phương. Vừa khi ấy tiếng chuông khuya nổi lên, Tường Phong giật mình thức giấc. Hòa thượng vội lấy giấy bút ghi lại điềm ấy, gọi là Kỷ Mộng Thiên.

Về sau Tường Phong hòa thượng ẩn tu nơi viện Phước Thành tại Lũ Giang. Khi lâm chung dự biết trước ngày giờ, ngồi niệm Phật mà thoát hóa.


LỜI BÌNH: -Trước Cận Đường mượn duyên giáng đàn để khuyên đồng bạn. Nay Trử Lương lấy việc ứng mộng mà đáp thâm ân. Như thế, ai gọi khi sanh về An dưỡng là vắng bặt không tin tức đâu! Tuy nhiên, với kẻ cơ duyên chưa thuần, thì chẳng thể nhất khái đều đồng lệ được!

Comments

Popular posts from this blog