LONG THỌ ĐẠI SĨ


Nếu người muốn thành Phật,
Xưng niệm A Di Dà,
Ứng thời vì hiện thân,
Nên nay con quy mạng.


Do sức nguyện Phật kia,
Mười phương chư Bồ Tát,
Đến nghe pháp cúng dường,
Nên con cúi đầu lễ.


Các Bồ Tát cõi ấy,
Đầy đủ những tướng hảo,
Thân đẹp tự trang nghiêm,
Nên con lạy quy y.


Chư Bồ Tát Cực Lạc,
Mỗi ngày trong ba thời,
Cúng dường Phật mười phương,
Nên con cúi đầu lạy.


Nếu người trồng căn lành,
Nghi thì hoa không nở,
Kẻ lòng tin thanh tịnh,
Hoa nở được thấy Phật.


Hiện tại Phật mười phương,
Dùng các thứ nhân duyên,
Khen công đức Di Đà,
Nên con quy mạng lễ.


Cõi Cực Lạc nghiêm đẹp,
Mầu nhiệm hơn thiên cung,
Công đức rất sâu dầy,
Nên con lễ chân Phật.



Đại Huệ ông nên biết,
Chứng sơ Hoan hỷ địa,
Đời vị lai sẽ có,
Sau khi ta Niết bàn,
Tôn hiệu là Long Thọ,
Tỳ kheo danh đức lớn,
Duy trì pháp của ta,
Ở nước Nam Thiên Trúc
Trong thế gian hiển ngã,
Phá các tông Hữu, Vô.



LONG THỌ ĐẠI SĨ


Long Thọ Đại sĩ, tiếng Phạn gọi là Nàgàrjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ 700 năm. Tương truyền ngài sanh duới cây A Châu Đà Na, cây nầy có 500 vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ .

Trong quyển Tam Bảo Cảm Ứng Lục có trích dẫn: “Theo kinh Kim Cang Chánh Trí, thì thời quá khứ, ngài Mã Minh đã thành Phật, hiệu là Đại Quang Minh Như Lai. Ngài Long Thọ hiệu là Diệu Vân Tướng Như Lai. Lại theo kinh Đại Trang Nghiêm Tam Muội, ngài Mã Minh là vị Cổ Phật hiệu Nhật Nguyệt Tinh Minh. Ngài Long Thọ là Diệu Vân Tự Tại Vương Phật”. Truyện Phú Pháp Tạng cũng nói về ngài như sau: “Bản vị nguyên là Phật Diệu Vân, ứng tích ở ngôi Hoan Hỷ Địa”. Truyền ký về ngài có nhiều điểm thần kỳ, như việc mở Thiết tháp ở Nam Thiên Trúc học về Mật giáo; được Đại Long Bồ Tát đem vào hải cung đọc kinh Hoa Nghiêm và các kinh điển đại thừa. Vì thế, ngài một thân mà kiêm làm Tổ sư của tám tông phái Phật giáo.

Sau khi đắc pháp với Tôn giả Ca Tỳ Ma La, làm vị Tô thứ bốn bên Thiền tông, Long Thọ Đại sĩ đi hoằng hóa các nơi và có trứ thuật nhiều bộ luận. Trong luận Tỳ Bà Sa của ngài viết, có đoạn khen ngợi về Tịnh độ như sau:

Nếu người muốn thành Phật,
Xưng niệm A Di Dà,
Ứng thời vì hiện thân,
Nên nay con quy mạng.
Do sức nguyện Phật kia,
Mười phương chư Bồ Tát,
Đến nghe pháp cúng dường,
Nên con cúi đầu lễ.
Các Bồ Tát cõi ấy,
Đầy đủ những tướng hảo,
Thân đẹp tự trang nghiêm,
Nên con lạy quy y.
Chư Bồ Tát Cực Lạc,
Mỗi ngày trong ba thời,
Cúng dường Phật mười phương,
Nên con cúi đầu lạy.
Nếu người trồng căn lành,
Nghi thì hoa không nở,
Kẻ lòng tin thanh tịnh,
Hoa nở được thấy Phật.
Hiện tại Phật mười phương,
Dùng các thứ nhân duyên,
Khen công đức Di Đà,
Nên con quy mạng lễ.
Cõi Cực Lạc nghiêm đẹp,
Mầu nhiệm hơn thiên cung,
Công đức rất sâu dầy,
Nên con lễ chân Phật.

Ngài lại tạo bộ luận Đại Trí Độ, trong đoạn khai thị về pháp môn Tịnh độ có dạy:

“Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và những tội đời trước. Các pháp tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm không thể trừ được nghiệp sân. Có môn trừ được nghiệp sân không thể trừ nghiệp dâm. Có môn trừ được nghiệp si, không thể trừ dâm, sân. Có môn trừ được ba độc tham, sân, si, không thể trừ các tội đời trước. Môn Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và các thứ tội chướng. Lại nữa, Niệm Phật tam muội có phước đức lớn, hay độ chúng sanh. Chư Bồ Tát muốn mau diệt tội chướng, được nhiều phước đức, sớm độ chúng sanh, không chi hơn tu môn Niệm Phật tam muội…”

– Hỏi: Bồ Tát phải thường ở cõi trần lao để giáo hóa chúng sanh, sao lại nguyện sanh về Tịnh độ?

– Đáp: Nếu chưa vào Vô sanh nhẫn của Bồ Tát vị, chưa được thọ ký, chưa đến ngôi Bất thối chuyển, mà xa lìa chư Phật, tất sẽ chìm trong biển phiền não, hư mất hết các căn lành! Như thế, đã không thể độ mình, làm sao độ chúng sanh được? Ví như kẻ dùng chiếc thuyền không bền chắc để đưa người, khi gặp sóng to gió lớn, tất thuyền sẽ bị hư rã, mình và người đều chết đắm. Lại như người đem ấm nước sôi đổ vào ao băng tuyết, muốn cho ao băng tuyết tiêu tan, ban sơ chỉ tan được chút ít, kết cuộc chính nước sôi ấy sẽ trở thành băng tuyết. Bồ Tát chưa vào Vô sanh pháp vị mà xa lìa chư Phật cũng lại như thế! Nếu Bồ Tát chưa đủ nhẫn lực, chưa đủ phương tiện, muốn dùng chút ít công đức để ra hóa độ chúng sanh, sự lợi ích tuy có đôi phần, nhưng trái lại chính mình sẽ bị đọa lạc … – Lại nữa, nếu Bồ Tát mắt thường thấy sắc tướng của Phật, tai thường nghe âm thanh Phật nói, thì tâm sẽ được thanh tịnh, được pháp lạc, được trí tuệ lớn, kế đó y theo lời dạy tu hành tất sẽ mau giải thoát. Gặp Phật được vô lượng sự lợi ích như thế, tại sao không nhất tâm cầu về cõi Phật? Như trẻ thơ không nên rời mẹ, người đi xa không rời lương thực, lúc nóng bức không rời gió nước trong mát, tiết nghiêm hàn không rời sưởi ấm, sang sông không rời thuyền câu, đau bệnh không rời thuốc hay; Bồ Tát không rời chư Phật còn quá hơn các việc như trên. Tại sao thế? Bởi dù là cha mẹ, hàng thân thuộc, bậc thiện tri thức, ngôi vua chúa, hay các đấng thiên vương, cũng không thể làm lợi ích cho chúng sanh bằng Phật. Chư Phật có đủ năng lực đưa loài hữu tình lìa các cảnh khổ, lần lần tiến tới ngôi vị Thế Tôn …

Hỏi: Làm thế nào để thường được gần gũi chư Phật?

Đáp: Chúng sanh luân hồi từ vô thỉ kiếp, tạo vô lượng tội chướng nhân duyên. Cho nên, dù có tu phước đức, trí tuệ vẫn kém ít; dù có tu trí tuệ, phước đức cũng không được bao nhiêu. Bồ Tát khi cầu Phật đạo, cần phải thực hành sanh nhẫn và pháp nhẫn. Do thực hành sanh nhẫn, đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi hỷ xả, nên diệt được tội chướng trong vô lượng kiếp, sanh vô thượng phước đức căn lành. Do thực hành pháp nhẫn nên phá hết các vô minh về pháp chấp, sanh vô lượng trí tuệ. Nếu hai hạnh ấy được hòa hiệp, thì đời đời không xa rời chư Phật.

Lại một hạnh: “Ví như chúng sanh tâm dục nặng: thì đọa làm thân dâm điểu; tâm sân nặng thì thọ sanh trong loài độc trùng. Nếu kẻ nào thường niệm Phật, ưa thích cõi Phật, không tham phước báo cõi nhơn thiên, tất sẽ tùy tâm mến trọng của mình, quyết được sanh về Tịnh độ, thường gần gũi chư Phật…”

Về sau, ngài Long Thọ phú pháp cho tôn giả Ca Na Đề Bà, rồi nhập định như con ve bỏ xác mà hóa.

Trong kinh Lăng Già, về ngài Long Thọ, đức Phật đã có lời huyền ký với Đại Huệ Bô Tát răng:

Đại Huệ ông nên biết,
Chứng sơ Hoan hỷ địa,
Đời vị lai sẽ có,
Sau khi ta Niết bàn,
Tôn hiệu là Long Thọ,
Tỳ kheo danh đức lớn,
Duy trì pháp của ta,
Ở nước Nam Thiên Trúc
Trong thế gian hiển ngã,
Phá các tông Hữu, Vô.

Như thế, ngài Long Thọ ứng tích là bậc Sơ địa Bồ Tát bi trí rộng sâu, một thân làm Tổ sư của tám tông, mà vẫn phát nguyện cầu sanh Tịnh độ.

Comments

Popular posts from this blog