HOÀNG THỪA HUỆ


Một vật không đem đến
Một vật chẳng đem đi.
Trên đảnh non cao vầng nguyệt sáng
Là chân diện mục tánh A Di!



Cư sĩ Hoàng Thừa Huệ, tự Ngươn Phù, quê ở Tiền Đường tại Hàng Châu. Ông tánh tình khẳng khái, thờ mẹ có hiếu, lại ưa hạnh bố thí. Hàng lân lý kẻ rét không áo, liền cởi áo mình trao cho. Gặp người nghèo đói, trút hết tiền trong túi giúp đỡ. Em vợ là Văn Khải Sơ lấy làm lạ về tiết hạnh thanh khổ của anh rễ mình, hướng dẫn đến chùa Vân Thê. Thừa Huệ dùng lễ đệ từ ra mắt, được Liên Trì đại sư quy y cho, và đặt pháp danh là Tịnh Minh.

Sau cư sĩ mang bịnh thổ huyết trải ba năm không lành. Lúc đau nặng, Văn Khải Sơ đên thăm, khuyên niệm Phật. Đang lúc quá thống khổ, ông chưa tỉnh ngộ. Khải Sơ lớn tiếng bảo: “Lúc anh nhắm mắt rồi, cái chết đau đớn hiện tại ở nơi đâu?” Thừa Huệ kinh sợ hỏi: “Vậy phải làm thế nào?” Khải Sơ đáp: “Không chi hơn niệm Phật!” Hỏi: “Em bảo niệm đức A Di Đà ở Tây phương hay Phật A Di Đà tự tánh?” Đáp: “Anh cho hai phương diện ấy là khác nhau ư?” Cư sĩ chợt như tỉnh ngộ, điểm đầu. Khải Sơ thỉnh Huệ Văn Pháp sư đến, trần thiết tượng Phật, xin vì anh nói nhân duyên Tịnh độ. Thừa Huệ nghe xong vui vẻ, nhờ Pháp sư xuống tóc và truyền giới Sa di cho mình. Đoạn ông dứt trừ tất cứ sự tiếp xúc, chuyên niệm Phật. Kế lại thầm tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong bảy ngày. Khóa tụng vừa xong, người trong nhà đều nghe mùi hương sen bát ngát. Ông mỉm cười nói kệ rằng:

 

Một vật không đem đến
Một vật chẳng đem đi.
Trên đảnh non cao vầng nguyệt sáng
Là chân diện mục tánh A Di!

 

Kế lại bảo người nhà sắm đồ chay cúng Phật, và thỉnh chư tăng đến tụng kinh. Khi chúng tăng tụng kinh niệm Phật rồi đọc đến bài văn phát nguyện, câu: “Đức A Di Đà phóng quang tiếp dẫn, duỗi tay dắt dìu …” Thừa Huệ bỗng vui vè ngồi dậy nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn tượng Phật mà qua đời.

Comments

Popular posts from this blog