HẠ QUỐC XƯƠNG
Liêu Không biết được đường lui tới
Phù thế phen nầy lại trải chơi!
HẠ QUỐC XƯƠNG
Cư
sĩ Hạ Quốc Xương, người thời Trung Hoa Dân Quốc, quê ở Bình Hương, tỉnh Giang
Tây. Ông nội và cha đều xuất thân chốn quan trường, có tiếng là liêm khiết. Quốc
Xương từng giữ chức Tri huyện, thuyên chuyển đi vài nơi, sau thời cách mạng lại
làm Dân chánh trưởng ở bản tỉnh.
Mùa thu năm Dân quốc thứ hai, vì liên
can vào việc thảo trừ Viên Thế Khải, mưu sự không thành, nên ông lánh nạn vào ẩn
cư ở một ngôi chùa tại Nam Nhạc tỉnh Hồ Nam. Từ đó Quốc Xương cải hiệu là Hoành
Tiều, mỗi ngày trì các chân ngôn: Lăng Nghiêm, Chuẩn Đề và niệm Phật. Mùa xuân
năm Dân Quốc thứ tư, ông được người có thế lực tiến cử, song bị viên Ấp lịnh vu
cáo, phải tự đến Băc Kinh trần bạch mới được trắng án.
Bấy giờ có cư sĩ La Kiệt là bạn đồng cảnh
ngộ với Quốc Xương. Vì thế, sau cơn hoạn nạn, đôi bên thường qua lại thân thiết
nhau. Cả hai đều trường trai và tập tham thiền. Một hôm trong cơn tĩnh định, Quốc
Xương bỗng nghe có người gọi mình là Liêu Không Tử. Do đó ông cảm tác bài thi
có hai câu như sau:
Liêu Không biết được đường lui tới
Phù thế phen nầy lại trải chơi!
Từ đó ông quy hướng Tịnh độ, mỗi ngày tụng
kinh Hoa Nghiêm vài quyển, lễ Phật một trăm lạy, niệm hồng danh A Di Đà hai
muôn câu. Cư sĩ lại soạn các quy ước: Trì trai, niệm Phật, Quán tâm, Giản suất,
để tự răn nhắc sách tấn.
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ tám, Quốc
Xương về thăm viếng quê hương, gặp lúc trời hạn lâu, liền làm lễ đảo võ, được
mưa xuống dồi dào, đồng ruộng đầy dẫy nước. Kế đó ông lại lập đàn thí thực tụng
kinh cầu siêu cho tiên linh và những nạn nhơn trong cuộc chiến tranh Nam, Bắc.
Trong khi cúng thí, người dự hội đều thấy đức A Di Đà hiện thân giữa hư không,
vô số ngạ quỉ cô hồn cúi đâu đảnh lễ, rồi theo Phật bay về Tây phương. Sau công
việc ấy, cư sĩ giã từ hương lữ, bảo mình không trở lại nữa. Ông lại dặn dò người
thân thuộc khi nghe tin mình mãn phần, không được sát sanh cúng tế. Về tới Bắc
Kinh, cư sĩ liền cảm bịnh. Gia nhơn cùng bạn hữu muốn rước lương y điều trị,
ông liền từ khước bảo rằng: “Tâm tôi rất yên ổn, nẻo đi về đã biết rõ ràng, cần
chi dùng thang thuốc!” Rồi ông vẫn cố gắng lễ niệm như lúc bình thời, và nói:
“Lúc này khi nhắm hay mở mắt, tôi đều thấy Phật cùng Bồ Tát hiện thân to lớn đầy
khắp hư không!”
Kế đó bịnh ông có vẻ giảm bớt. Khi hàng
quyến thuộc hay tin đến viếng thăm đông đủ, cư sĩ ngồi lên ngay thẳng, từ từ
nhìn mọi người đứng xung quanh qua một lượt, rồi mỉm cười chắp tay yên lặng mà
thoát hóa.
Lúc cư sĩ mới phát tâm niệm Phật, nằm mơ
thấy đóa hoa sen đầy khắp hư không, mỗi đóa hoa đều có người ngồi, duy một tòa
còn bỏ trống, ông hỏi duyên cớ thì một vị ngồi gần bên đáp rằng: “Tòa sen này để
dành chờ Liêu Không Tử!” Lại khi Quốc Xương trở về tới Bắc Kinh, cô con gái là
Hạ Vinh nằm mơ thấy cha mình ngồi trên hoa sen bay về Tây phương. Cư sĩ tuy kẻ
bạch y, song giữ giới rất mực nghiêm cẩn. Lúc sắp mãn phần, hàng đệ tử là Bành
Hiến thỉnh huấn, ông bảo: “Chúng ta ở sâu vào thời mạt pháp, túc nghiệp đều rất
nặng. Muốn dứt cội rễ sống chết luân hồi, cần phải niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
Trong pháp môn Tịnh độ: Sự phát nguyện phải chân thật. Sám hối phải chí thiết.
Giữ giới phải bền chắc. Niệm Phật phải chuyên cần. Giới là vô thượng Bồ đề, là
gốc muôn điều lành, là cội của chánh pháp, là chỗ vào của người học đạo, là thầy
tốt của con. Nếu con giữ ba nghiệp cho thanh tịnh mà niệm Phật, quyết định sẽ
thấy đức A Di Đà”.
Lời trên đây cho thấy sự giữ giới tu hành của ông rất nghiêm cẩn.
Comments
Post a Comment