GIÁC MINH DIỆU HẠNH BỒ TÁT
Pháp yếu của
chư Phật,
Nhiệm mầu chẳng nghĩ bàn!
Bởi pháp chẳng nghĩ bàn,
Không thể diễn hết ý.
Đấng cha lành Mâu Ni,
Thương xót khắp quần sanh,
Nói chỗ không thể nói,
Dắt kẻ trước người sau.
Lại dùng phương tiện lạ,
Chỉ rõ cõi Cực Lạc,
Bảo phát nguyện vãng sanh,
Vượt ngang ba đường ác.
Bởi Phật A Di Đà,
Nguyện lớn nhiếp muôn loài,
Như nghe danh thọ trì,
Quyết sanh không còn nghi.
Nếu người có đại lực,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thành tựu tam muội sâu,
Đường Tây phương như tin.
Nay ta y thánh giáo,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thương các ngươi mê lầm,
Hiện tiền cũng thấy Phật.
Đây chằng phải duyên nhỏ,
Sắp diễn pháp lợi sanh.
Nói ít một câu chuyện,
Niệm nhiều một câu Phật,
Đánh chết được vọng niệm,
Hiển pháp thân chân thật.
GIÁC MINH DIỆU HẠNH BỒ TÁT
Đời
nhà Minh niên hiệu Sùng Trinh thứ 16, có Bồ Tát dùng phương tiện giáng thần ở
Ngô môn, tự xưng là Giác Minh Diệu Hạnh, thường khuyên dạy về Phật pháp. Đến
năm Thuận Trị thứ tư đời nhà Thanh, do nhân duyên trước, ngài lại giáng đàn,
tùy cơ nói pháp, khai diên về môn Tịnh độ. Trước tiên, Bồ Tát dùng lời kệ khai
thị rằng:
Pháp yếu của chư Phật,
Nhiệm mầu chẳng nghĩ bàn!
Bởi pháp chẳng nghĩ bàn,
Không thể diễn hết ý.
Đấng cha lành Mâu Ni,
Thương xót khắp quần sanh,
Nói chỗ không thể nói,
Dắt kẻ trước người sau,
Lại dùng phương tiện lạ,
Chỉ rõ cõi Cực Lạc,
Bảo phát nguyện vãng sanh,
Vượt ngang ba đường ác.
Bởi Phật A Di Đà,
Nguyện lớn nhiếp muôn loài,
Như nghe danh thọ trì,
Quyết sanh không còn nghi.
Nếu người có đại lực,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thành tựu tam muội sâu,
Đường Tây phương như tin,
Nay ta y thánh giáo,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thương các ngươi mê lầm,
Hiện tiền cũng thấy Phật.
Đây chằng phải duyên nhỏ,
Sắp diễn pháp lợi sanh.
Lúc ấy các tín hữu trong đàn đều cung
kính chắp tay yên lặng. Bồ Tát lại dạy tiếp:
– Các ngươi nên biết, môn Niệm Phật đây
đích thật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát thẳng tắt nhất của
hàng nhơn thiên. Nay các ngươi tuy có lòng tin, tuy thực hành hạnh niệm Phật cầu
vãng sanh, nhưng nếu tâm nguyện không chí thiết, thì chẳng khác chi người đi biển
gặp được châu báu mà lần lựa về tay không, tất cũng luống nhọc công vô ích! Thuở
xưa, nếu ta không nhờ tâm nguyện chí thiết, thì đâu được như ngày hôm nay.
Đời Minh Đế nhà Tấn, ta nguyên là một
người bần dân. Trong cảnh quá nghèo khổ, duyên may được nghe biết Phật pháp, ta
phát đại nguyện rằng: “Con vì túc nghiệp nên mới chịu quả báo khổ cực nầy. Nếu
hiện đời con không được thấy Phật A Di Đà, được sanh về cõi Cực Lạc để thành tựu
tất cả công đức, thì dù cho xả thân, nguyện không thối chuyền”. Phát thệ rồi,
trong bảy ngày đêm ta chuyên tinh nhớ niệm không thôi nghỉ, liền được tâm khai,
thấy Phật A Di Đà tướng tốt rực rỡ, ánh sáng soi khắp mười phương. Lúc ấy, trước
Phật ta được nhờ ân thọ ký. Đến năm bảy mươi lăm tuổi, ta ngồi niệm Phật thoát
hóa, vãng sanh về Tây phương. Sau khi đắc quả, bởi nguyện độ sanh sâu nặng, ta
trở lại cõi nầy tùy phương hiên hóa. Từ đó, hoặc thị hiện làm thân Tỳ kheo, hoặc
làm thân cư sĩ, hoặc làm vua, hoặc làm quan, hoặc làm người nữ, hoặc làm kẻ ăn
xin, hoặc ấn hoặc hiện, hoặc thuận hoặc nghịch; đều tùy duyên nói pháp, dẫn dắt
người mê. Nay ta lại vì các ngươi chỉ rõ lẽ chánh tà, mở bày môn Tịnh độ. Các
ngươi phải một lòng một ý, bền tu pháp môn nầy, quyết định sẽ được lợi ích lớn,
không còn sợ lầm lạc! Nếu kẻ nào tâm chí bền chắc, thì không đợi sau khi vãng
sanh, mà trong đời hiện tại cũng được thấy Phật. Hãy ghi nhớ bài kệ sau đây của
ta mà tu tiến:
Nói ít một câu chuyện,
Niệm nhiều một câu Phật,
Đánh chết được vọng niệm,
Hiển pháp thân chân thật.
Một tín hữu thưa: – Bạch ngài! Con niệm
Phật không được nhất tâm, chẳng biết phải dùng phương tiện nào?
Bồ Tát dạy: – Ngươi nên ngồi yên lặng, dứt
hết mọi tư tưởng, từ từ mà niệm. Điều cốt yếu phải làm sao cho tiếng hợp với
tâm, tâm hòa cùng tiếng, niệm lâu như thế, tự nhiên sẽ thấy lòng mình trong lặng.
Chừng ấy tâm cảnh chiếu sáng, dứt sự đối đãi, chứng vào Niệm Phật tam muội.
Nhưng nên nhớ lúc bình nhật cần phải niệm nhiều, từ ngàn cho đến số muôn câu
tâm không gián đoạn, thì căn khí mới dễ thành thục. Nếu cưỡng ép muốn cho tâm
mau qui nhất, tất trọn không thể được nhất tâm.
Một tín hữu khác lại thưa: – Bạch Bồ
Tát! Thế nào là nghĩa: Tâm hành xứ diệt?
Ngài dạy: – Tâm hành xứ diệt là chỗ tuyệt
dải, không còn dấu vết của niệm phàm Thánh, là chân tâm thường trú của
Phật. Còn tâm hành xứ hữu là nghiệp tâm hoặc thiện hoặc ác trong vòng sống chết
luân hồi của chúng sanh. Vọng tâm nầy nối tiếp nhau không xen hở. Nếu khi niệm
Phật ngươi gia công miên mật, không còn mảy may tạp vọng, mới mong được đôi phần
tương ứng.
Phài dè dặt, đừng có vừa thật hành được
nửa năm hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã khổ công tu niệm. Nên biết ý nghĩ
tự đắc ấy chính là chỗ chướng đạo! Lại tuy có gia công, nhưng nếu niệm lực chưa
được vững như non đồng vách sắt, xô không ngã, lay chẳng động, thì sức niệm vẫn
chưa thành một khối. Phải tu tập liên tục, đừng nên thấy có chút ảnh hưởng liền
dừng nghỉ. Đó là lỗi “Bán đồ nhi phế” khiến cho công phu trước luống uổng,
không được mảy may lợi ích chi. Đây là căn bịnh lớn của người học đạo, cần phải
lưu ý. Nên biết rằng: Phật pháp như bể cả, càng vào càng rộng sâu, quyết không
thể dùng chút ít tri kiến mà thấu hiểu hết được. Sự tu tập cần phải trọn đời, dụng
công đến chỗ non cùng nước tận, chớ có quan niệm xem thường!
Khi ấy, ông Cố Định Thành đứng lên xin
thỉnh giáo thêm về phương thức niệm Phật.
Ngài bảo: – Nầy thiện nam tử! Tâm thể vốn
ly niệm, vọng niệm từ tư tưởng mà sanh. Tư tưởng ấy nguyên giả dối, khiến cho
người lưu chuyển trong vòng sanh tử. Ngươi nên biết một câu A Di Đà Phật đây,
chẳng từ tưởng mà sanh, không theo niệm mà có, chẳng trụ trong ngoài, không có
hình dáng. Niệm như thế thì dứt các vọng tưởng, cùng với chân thân nhiệm mầu
thanh tịnh của Như Lai, chẳng đồng chẳng khác, không thể phân biệt. Niệm như thế
thì phiền não trần lao không dứt không buộc, chỉ là nhât tâm.
Được như thế mới gọi là CHẤP TRÌ DANH HIỆU, mới
gọi là nhất tâm bất loạn. Chừng ấy công tịnh nghiệp thành tựu, bước thẳng lên
ngôi thượng phẩm. Nay ngươi nên phát nguyện lớn, cầu sanh về Cực Lạc, rồi chí
thành cảm thiết xưng niệm A Di Đà Phật. Phải quyết ý khiến cho tiếng nương theo
tâm, tâm duyên theo tiếng, tâm cùng tiếng hợp nhau. Dụng công như thế lâu ngày
không để sơ thất, chăm chú như mèo rình chuột, tất sẽ được vào Chánh ức niệm
tam muội. Nếu muốn tu tiến thêm, phải tham cứu nhiều hàng tri thức, rộng hỏi
các bậc cao minh, tất sẽ tỏ ngộ được ý mầu TỨC TÂM THÀNH PHẬT.
Kế tiếp cư sĩ Vô Hủ thưa thỉnh: –
Bạch ngài! Xin từ bi chi dạy cho con phần khái yếu về sự tu tập. Từ lúc bình nhật
cho đến khi lâm chung, con phải hành trì như thế nào?
Bồ Tát nói: – Đại để người tu tịnh nghiệp
khi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc khởi cư ăn uống đều nên hướng về phương Tây. Như
thế cơ cảm mới dễ thành, căn cảnh mới dễ thục. Trong thất chỉ nên cúng một tượng
Phật, một pho kinh, một bàn thờ, một lư hương, một bàn, một ghế, chẳng nên để
nhiều đồ vật khác. Ngoài sân cũng phải quét dọn trống trải sạch sẽ để đi kinh
hành niệm Phật cho thuận tiện. Nên giữ tâm mình vắng lặng không vướng một mảy
tơ, muôn niệm đều quên, trong không thấy thân, ngoài không biết cảnh. Cũng
không nghĩ đến hành động hôm nay của ta đây là việc tu hành. Như thế thì cùng với
đạo ngày càng gần, với đời ngày càng xa, có thể thành tựu tịnh nghiệp. Nếu lúc
bình thời ngươi rũ sạch được muôn duyên, một lòng niệm Phật; thì khi lâm chung
mới có thể không còn quyến luyến đến gia đình sự nghiệp, vui vẻ thanh thoát mà đi.
Đấy há chẳng phải là tác phong của bậc đại trượng phu ư! Ta bảo như thế là muốn
cho ngươi chuyên chí tu hành, không còn vướng bận điều chi. Và đây chính là điều
kiện rất quan trọng, thiết yếu!
Đến như pháp tu Tịnh độ, vẫn không ngoài
hai chữ Chuyên và cần. Chuyên thì không quản đến
việc chi khác. Cần thì không bỏ phí một phút giây.
Từ nay mỗi sáng sớm thức dậy, sau khi lễ
Phật, ngươi nên tụng một quyển kinh A Di Đà, rồi tùy sức niệm Phật Kế đó quỳ đọc
bài văn “Một lòng
Quy mạng …” để phát nguyện hồi hướng, vì bài văn ấy lời giản dị mà
ý đầy đủ. Ban sơ thân tâm chưa yên, mỗi ngày chỉ khóa tụng hai thời, kế đó thì
tăng lên đến bốn thời, nếu có thể, lên đến sáu thời. Ngoài ra thì niệm thả
không ký số, hoặc niệm thầm, hoặc niệm ra tiếng, chỉ nhiếp tâm chuyên nhớ mà
thôi.
Lại, phép trì danh cần phải mỗi chữ mỗi
câu, rành rẽ rõ ràng, tâm và tiếng hòa hợp nương nhau, không xen lẫn mảy may tư
tưởng tạp vọng. Niệm như thế lâu ngày, công lực sẽ tự thành thục, quyết định được
sanh về cõi Liên bang. Chừng ấy ngồi tòa sen báu lên Bất thối luân, tự tại
giải thoát, há chẳng phải là điều đáng hoan hỷ ư? Nên cố gắng! Cố gắng!
Bồ Tát giáng thần thuyết pháp, trước sau
kể có 24 hội. Các đệ tử của ngài là bọn ông Thường Nhiếp thay phiên ghi chép, kết
họp thành bộ Tây Phương Xác Chỉ, khắc bản lưu truyền.
LỜI PHỤ:
-Phần thánh nhơn khuyến hóa, gồm có sự tích và lời dạy của chư thánh: – Đức Bổn
sư Thích Ca Mâu Ni, đức Đạo sư A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát,
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Kỳ Bà Ca Tôn giả, Mã Minh Đại sĩ, Long
Thọ Đại sĩ, Thiên Thân Luận sư, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát. Trong đây, vì chọn
phần giảng yếu, bút giả chỉ diễn dịch lại sự và lời của bốn vị sau cùng mà
thôi. Để kết thúc phần nầy, Ấn Quang Pháp sư có ghi lời bình chú như sau:
– Kinh Duy Na nói: “Tuy biết các cõi Phật.
Cùng chúng sanh đều không. Mà thường tu Tịnh độ. Để giáo hóa quần sanh”.
Sở dĩ như thế, vì các bậc đại thừa Bồ
Tát không vị nào chẳng lấy tâm Bồ đề làm căn bản, và tu Tịnh độ làm trang
nghiêm. Bởi nếu không như thế, thì chẳng làm sao đầy đủ mười hạnh nguyện Phổ Hiền
được. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới nói: “Các bậc đại Thanh văn vì không
tán dương công đức thanh tịnh của mười phương Tịnh độ, vì không khen ngợi các sự
thần biến của chư Phật Thế Tôn, vì không được các trí tuệ thần thông nghiêm tịnh
cõi Phật, nên nơi hải hội Hoa Tạng Hoa Nghiêm tuyệt không nghe không thấy”.
Thế thì biết, nếu hàng phàm phu nào có
thể phát tâm trong sạch, hồi hướng về Tịnh độ, tất công đức sẽ hơn các bậc đại
Thanh văn kia quá bội trăm ngàn muôn ức lần. Kẻ ấy quyết định mau được vào cảnh
giới Hoa Nghiêm Bất Tư Nghị.
Cũng trong kinh Hoa Nghiêm, đức Văn Thù
Sư Lợi bảo Thiện Tài đồng tử đi tham phỏng các bậc Đại thiện tri thức. Trước
tiên, Đồng từ tham học với ngài Đức Vân được nghe dạy về pháp môn Niệm Phật.
Sau rốt, khi Thiện Tài đến thưa thỉnh, Phổ Hiền Bồ Tát cũng đem mười đại nguyện
vương khuyên ngài và tất cả đại chúng ở Hoa Tạng thế giới, gồm 51 giai vị: Thập
tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác đều nên phát tâm
tu mười đại nguyện vương ấy, hồi hướng cầu sanh Cực Lạc. Xem đấy thì biết môn Tịnh
độ cao thâm bao quát đến ngần nào! Tiếc thay cho những vị chi biết giảng triết
lý thiên thông, cao đàm luận vô tướng, rồi xem thường chê bai người niệm Phật.
Những vị ấy trí tuệ quả thật có hơn đức Văn Thù, Phổ Hiền chăng?
Comments
Post a Comment