ĐẾ NHÀN


Ta nhờ niệm Phật
Tịnh độ hiện tiền
Chân thật thọ dụng
Chúng gắng tinh chuyên!



ĐẾ NHÀN

 

Thích Đế Nhàn, pháp danh Cổ Hư, hiệu Trác Tam họ Châu, người ở Hoàng Nham tình Triết Giang. Pháp sư tánh huệ đã trồng, căn lành sẵn đủ, hai mươi tuổi đến xuất gia nơi chùa Bạch Vân huyện Lâm Hải. Hai năm sau được thọ giới Cụ túc tại chùa Quốc Thanh ở non Thiên Thai.

Từ đó đồng tham thiền, hạ học Phật, Pháp sư tinh tấn hành đạo, gần gũi với các bậc kỳ túc, và rất tương đắc cùng Mẫn Hy lão nhơn. Ngài từng dự khóa giảng Pháp Hoa, nghe chưa trọn bộ đã lãnh hội ý mầu Tam đế tam quán. Kế tiếp được cho ngồi tiểu tòa phúc giảng lại, lời sâu mầu lý thông suốt, khiến hàng đồng bối đều kinh hãi thán phục. Mẫn công cũng thở than khen ngợi cho là bậc long tượng trong pháp môn.

Năm hai mươi tám tuổi, Pháp sư mở diễn hội Pháp Hoa nơi chùa Lục Thông tại Hàng Châu. Khi giảng tới đoạn “Khai Phật tri kiến”, Ngài bỗng vào định lặng yên. Giây lát xuất định giảng tiếp thì biện tài không ngại, đáp nạn giải nghi như bình tuôn nước, lời lẽ thâu mở tự tại chẳng ai chế ngự nổi. Từ đó về sau, thường lấy sự hoằng pháp lợi sanh làm trách nhiệm của mình. Pháp sư lại lo huệ nhiều định ít sợ nỗi chướng đạo, nên đóng cửa nhập thất nơi am Thánh Quả ở chùa Từ Khê. Lúc rỗi rảnh thì nghiên cứu thêm về Đại thừa kinh điển.

Ba năm sau vừa ra thất, Ngài liền nhận lời cầu thỉnh giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Long Hoa ở Thượng Hải. Khóa giảng xong lại về Kim Sơn tự tham thiền, rồi đến chùa Quốc Thanh tu quán. Trải qua thời gian đó, sự giải ngộ của Pháp sư càng đến chỗ sâu sắc nhiệm màu, được Tổ Thích Đoan Dung chọn làm truyền nhơn môn phái Thiên Thai đời thứ bốn mươi ba. Từ đây đến hơn hai mươi năm về sau, Ngài ứng lời cầu thỉnh liên tục đi giảng khắp nơi ít khi rỗi rảnh, mở pháp hội kể có mấy ngàn lần. Mỗi ngày Pháp sư đều tụng kinh Kim Cang, Viên Giác, Quán Vô Lượng Thọ, Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm và niệm Phật hơn một muôn câu lấy làm thường khóa. Ngày rằm và ba mươi lại tụng thêm kinh Phạm Võng.

Trong một đời hoằng hóa, Ngài đã trùng hưng chùa Đầu Đà ở Ôn Châu, chùa Vạn Niên ở Thiên Thai, chùa Quán Tông ở Ninh Ba, chùa Phạm Thiên ở Hàng Châu. Ngoài ra còn mở Phật học đường để đào tạo Tăng tài, lập tịnh viện cho đại chúng tu tập. Chùa Quán Tông là nơi thường trụ tích của Pháp sư. Ngài trứ thuật rất nhiêu lời khai thị, dưới thích ứng với cơ duyên, trên thâm hợp cùng Phật lý, khiến cho phần đông hàng đạo tục đều được lợi ích thấm nhuần. Cách thức chỉ dạy thì giáo mở Thiên Thai, hạnh chuyên Tịnh độ, nên mỗi khi giảng kinh đều chỉ quy về sự niệm Phật. Bản thân của Pháp sư cũng thật hành theo đường lối đó, hạnh giải kiêm toàn chúng đều khâm phục, được mọi người tôn xưng là bậc trung hưng Thai giáo thời bấy giờ. Cho đến những điều công ích, các việc từ thiện ngài đều khẳng khái giúp thành.

Trong hai mùa xuân hạ năm Tân Mùi thời Dân quốc, Pháp sư giảng kinh nơi chùa Ngọc Phật ở Thượng Hi. Ngoài ra lại ứng đáp lời cầu thỉnh của Vô Tích cư sĩ, giảng bài văn Phát Bồ Đề Tâm của Tĩnh Am đại sư. Nhân vì tuổi đã cao, thời tiết nóng bức, Phật sự quá nhọc nhằn, nên sau kỳ giảng Pháp sư lâm bịnh. Lúc trở về bản tự, tinh thần cùng sự ăn uống mỗi ngày thêm suy giảm. Ngài bèn tuyệt hết các duyên, quyết ý chuyên niệm Phật cầu sanh. Sang mùa hạ năm Nhâm Thân, Pháp sư đem thủ tục và quy chế ở chùa Quán Tông giao phó hoàn tất, chỉ định cho môn nhơn là Bảo Tịnh nối tiếp hoằng trì.

Đến ngày mùng hai tháng bảy, trước giờ ngọ, Pháp sư bỗng chắp tay hướng về Tây yên lặng giây phút rồi bảo: “Đức A Di Đà đã quang lâm tiếp dẫn, lão nhơn xin từ đây giã biệt!” Nói đoạn, bảo thị giả nấu nước thơm để mình tắm gội. Sau khi thay y phục mới sạch, đắp cà sa xong, Pháp sư dạy đỡ mình lên chánh điện lễ Phật, rồi bảo dìu xuống tự ngồi kiết già trong bảo khám. Kế tiếp, trước khi dạy chúng đồng thanh niệm Phật. Ngài nói lời kệ phú chúc vắn tắt rằng:

 

Ta nhờ niệm Phật
Tịnh độ hiện tiền
Chân thật thọ dụng
Chúng gắng tinh chuyên!

 

Quá ngọ một giờ ba khắc, ngài an lành mỉm cười vãng sanh trong tiếng trợ niệm của đại chúng. Lúc ấy sắc mặt của Pháp sư hiện vẻ rất tươi sáng, mấy giờ sau đảnh đầu còn nóng. Bấy giờ nhằm ngày mùng hai tháng bảy, năm Dân Quốc thứ hai mươi mốt (1932), Pháp sư hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi, Tăng lạp năm mươi lăm. Di hài được môn nhơn làm lễ nhập tháp nơi chùa Từ Khê, non Ngũ Lôi.

Comments

Popular posts from this blog