DƯƠNG KIỆT
Sống vẫn không chi luyến
Thác cũng không chi xả
Giữa khoảng thái hư không
Mặc chi hồ giả dã!
Đem lầm đến sai khác
Cõi Tây phương Cực Lạc!
Cư sĩ Dương Kiệt, tự Thứ Công, người đời
Tống, ở huyện Vô vi, nên tự hiệu là Vô Vi Tử. Trong niên hiệu Nguyên Phong, ông
làm quan Thái thường, ban sơ mến thích Thiền tông, hằng đến pháp hội của Thiên
Y Hoài thiền sư, tham cứu về cơ ngữ của Bàng cư sĩ. Đến khi phụng chiếu di tế ở
đỉnh Thái Sơn, thấy vầng hồng mọc lên như chiếc mâm tròn rực rỡ, bỗng nhiên đại
ngộ.
Cuối năm Hy Ninh, ông cư tang mẹ ở quê
nhà, nhân lúc rảnh duyệt tạng kinh, liền quy hướng về Tịnh độ. Cư sĩ vẽ tượng
Phật A Di Đà cao một trượng sáu, hằng đem theo mình để quán niệm. Thuở bình
sanh có những trứ thuật, phần nhiều đều chỉ đạo về Cực Lạc. Ông từng viết lời tựa
trong quyển Tịnh Độ Thập Nghi Luận của ngài Thiên Thai như sau:
“Ái tâm chẳng nhiễm nặng, thì không sanh
ở Ta Bà. Niệm Phật chẳng chuyên nhứt tất không sanh về Cực Lạc. Ta Bà là cõi ác
nhơ, Cực Lạc là miền đẹp sạch. Mạng sống ở Ta Bà có hạn, thọ số ở Cực Lạc không
cùng! Nơi Ta Bà đủ các sự khổ, ít có niềm vui. Miền Cực Lạc phiền khổ chẳng
còn, an vui vô lượng. Ở Ta Bà theo nghiệp luân hồi, không biết lúc nào được
thoát ly. Cõi Cực Lạc một khi được sanh, tất không thối chuyển, lần lượt chứng
đến quả đại giác. Nếu muốn hóa độ mười phương, tùy ý tự tại, không còn bị nghiệp
buộc ràng. Xét qua hai cõi, các sự: ác nhơ, đẹp sạch, phiền khổ, an vui, mạng sống
ngắn ngủi, thọ số dài lâu, mãi luân hồi, mau chứng ngộ, đều trái khác nhau, như
thế mà chúng sanh mê mờ không biết, há chẳng thương xót lắm ư?
Đức Di Đà là bậc nhiếp thọ tiếp dẫn ở Cực
Lạc. Phật Thích Ca là vị chỉ đạo Tịnh độ ở Ta Bà. Cho nên các giáo điển đại thừa
của ngài, phần nhiều đều hết lời cặn kẽ khuyên bảo vãng sanh. Bồ Tát Quán Âm,
Thế Chí theo phụ trợ đức A Di Đà, cùng nương thuyền đại nguyện vào biển luân hồi,
chẳng trụ bờ bên nầy bên kia cùng giữa dòng, mà làm việc tế độ. Cho nên kinh A
Di Đà nói: “Nếu cố thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói Phật A Di Đà, niệm
giữ danh hiệu, hoặc từ một ngày cho đến bảy ngày, một lòng không loạn. Kẻ đó đến
lúc mạng chung, được Phật A Di Đà cùng các thánh chúng hiện ra ở trước. Người ấy
khi mạng chung lòng không điên đảo liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của
Phật A Di Đà!” Kinh Vô Lượng Thọ cũng bảo: “Chúng sanh ở mười phương nghe danh
hiệu ta, trồng các cội đức, hết lòng hồi hướng muốn sanh về nước ta, nếu chẳng
được vãng sanh, ta thề không thành Chánh giác!” Cho nên khi xưa ở viện Vô Thường
tại Kỳ Hoàn tinh xá, Phật dạy người bịnh nằm day mặt hướng phương Tây, tưởng
sanh về Tịnh độ. Tại sao thế? Bởi đức A Di Đà phóng ánh sáng soi khắp pháp giới,
nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật không bỏ sót. Vì thánh phàm đồng một tâm thể,
nên cơ cảm hợp nhau, có niệm tất có ứng. Cho nên chúng sanh trong tâm chư Phật,
nếu biết quay về, mỗi niệm đều là Tịnh độ. Chư Phật trong tâm chúng sanh, ánh
linh soi khắp, mỗi chỗ đều là từ bi.
Lấy đâu mà xét: người trí tuệ dễ vãng
sanh, vì dứt trừ nghi hoặc. Người thiền định dễ vãng sanh, vì lòng không tán loạn.
Người trì giới dễ vãng sanh, vì xa các nhiễm ô. Người bố thí dễ vãng sanh, vì xả
bỏ của trần. Người nhẫn nhục dễ vãng sanh, vì không cưu mang oán hận. Người tinh
tấn dễ vãng sanh, vì mau thành tựu tịnh niệm. Người không tạo thiện không tạo
ác cũng dễ vãng sanh, vì một lòng quy hướng thuần nhứt. Người làm các điều ác,
nghiệp báo đã hiện, cũng dễ vãng sanh, nếu biết thẹn sợ mà niệm Phật. Trái lại,
kẻ tuy tạo các công đức lành, nếu không có lòng tín nguyện hồi hướng, tất không
được vãng sanh vậy!
Ôi! Hiệu Di Đà rất dễ niệm, cõi Tịnh độ
rất dễ sanh! Chúng sanh không muốn niệm, không cầu sanh, Phật dù xót thương
cũng chẳng biết làm sao được? Vả chăng: tạo ác nghiệp đọa đường khổ, niệm Di Đà
sanh cõi vui, hai điều ấy là lời Phật dạy. Chúng sanh chỉ lo sợ đọa địa ngục,
mà nghi ngờ sự vãng sanh, há cũng chẳng mê lầm ư?
Trong năm Nguyên Hựu, ông làm quan Đề
hình tại Lưỡng Triết, rồi mãn phần ở đó. Khi lâm chung, nói kệ rằng:
Sống vẫn không chi luyến
Thác cũng không chi xả
Giữa khoảng thái hư không
Mặc chi hồ giả dã!
Đem lầm đến sai khác
Cõi Tây phương Cực Lạc!
Trước đó, quan Hữu tư tham quân là Vương Trọng Hồi, người lân lý với Thứ Công, vẫn từng theo ông thọ học pháp môn Niệm Phật, có hỏi rằng: “Làm thế nào để được không gián đoạn?” Ông đáp: “Sau khi đã tin chắc chẳng còn nghi, tức là không gián đoạn!” Trọng Hồi nghe nói lãnh ngộ, vui mừng khấp khởi, từ tạ ra về. Năm sau, Thứ Công làm quan ở Đơn Dương, một đêm mơ thấy Trọng Hồi đến thưa rằng: “Trước kia nhờ ngài chỉ dạy về Tịnh độ, nay tôi đã được vãng sanh, nên đến đây tạ ân!” Nói xong đảnh lễ rồi lui. Mấy hôm sau, ông được thơ cáo phó của con Vương Trọng Hồi. Trong ấy, kể rõ cha mình dự biết ngày vãng sanh, có đi khắp nhà thân hữu từ biệt. Khi Thứ Công đã mãn phần, có Kinh Dương phu nhơn nằm mộng dạo chơi đến cõi Tây phương, thấy một vị thân tướng đoan nghiêm ngồi trên hoa sen, đội mão ngọc, đeo anh lạc, tà áo phất phơ theo gió nhẹ. Bà hỏi là ai, được cho biết là Vô Vi Tử Dương Kiệt.
Comments
Post a Comment