ÂU DƯƠNG TRỤ


Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bọt bóng
Duy niệm Phật sanh Tây
Mới là điều chân thật!
Quản chi đển việc trần
Mạc thạnh, suy, được, mất!




ÂU DƯƠNG TRỤ

 

Âu Dương Trụ tự Thạch Chi, hiệu Liễu Nhứt cư sĩ, người ở phủ Tân Hội tỉnh Quảng Đông. Buổi thiếu thời ông học Nho, chủ trương việc thay đổi pháp chế cho nước giàu dân mạnh, hằng lấy điều nầy làm chí hướng. Sau thấy nền chánh trị nhà Thanh càng lúc càng rối bời không cương kỷ, biết chẳng thể làm chi được, nên lòng nguội lạnh đối với việc quốc gia, theo Dương Nhân Sơn cư sĩ học Phật.

Sau khi quy y Tam Bảo, ông hướng về Tịnh độ, mỗi ngày hằng niệm hồng danh Phật, kiêm tu môn quán thứ mười ba trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Thạch Chi có lập một khu tiểu viên nơi trấn Long Hoa tại Thượng Hải, thường đóng cửa để tu niệm. Lâu ngày pháp quán thành, lúc nhắm hay mở mắt đều thấy thắng tướng hiển hiện. Do đó ông cực lực đề xướng môn tu của mình, khi luận biện thường cao hứng vỗ bàn, vẻ mừng rờ lộ ra nét mặt dường như cho rằng tất cả việc đáng quý thuộc thế gian và xuất thế gian, không chi hơn Tịnh độ. Thái độ thành khẩn ấy đã cảm được nhiều người hưởng ứng niệm Phật cầu vãng sanh. Mẹ của Thạch Chi là Châu Thái nghi nhơn giữ tiết thanh trinh, sương cư đã mấy mươi năm, lúc tuổi già do ông khuyến tấn, cũng tu trì không xen hở.

Vào niên hiệu Tuyên Thông năm đầu, Âu Dương Trụ ngồi niệm Phật rồi lặng lẽ qua đời. Khi lâm chung cảm niệm điềm lành rất nhiều. Tập sách nhỏ Quyết Định Sanh Tây Phương Nhựt Khóa của ông viết ra được lưu hành rất rộng. Ông rất chú ý đến việc giới sát hộ sanh. Muốn cho mọi người bớt nghiệp sát, hướng về đạo Phật, ông cùng các đồng bạn nghiên cứu cách nấu chay đủ tánh chất vừa bổ dưỡng vừa ngon miệng, rồi viết sách quảng bá khắp nơi. Để chứng minh điều ấy, Thạch Chi còn lập một tiệm cơm chay ở Thượng Hải, lấy tên là Công Đức Lâm được hàng nhơn sĩ trong và ngoài nước tán thưởng. Từ đó, phong trào ăn chay và lập các tiệm cơm gọi là Tổ thực quán, lần lượt nổi lên khắp các thành phố lớn trong nước. Công đức lợi sanh của ông thật sâu rộng.

Trước khi lâm chung, Thạch Chi cảm bịnh nhẹ, mỗi ngày chỉ niệm Phật không một lời đề cập đến việc nhà. Có người hỏi: Phải sắp xếp gia sự như thế nào? Ông ngẫu nhiên đáp thành lời kệ:

 

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bọt bóng
Duy niệm Phật sanh Tây
Mới là điều chân thật!
Quản chi đển việc trần
Mạc thạnh, suy, được, mất!

 

Khi sắp mãn phần, trạng mạo của ông cực an lành không lộ một nét thống khổ, chỉ sẽ động môi thầm niệm Phật cho đến lúc tắt hơi mới thôi. Mấy giở sau khi thọ chung, đảnh đầu hãy còn nóng. Ba hôm sau mới đại liệm, tay chân ông vẫn mềm dịu, gương mặt tươi tắn lộ sắc sáng nhuần. Đến ngày thứ bảy, nơi gian lầu của Thạch Chi thường tu tịnh khóa, bỗng có một vầng khói sáng trắng như mây tỏa mùi thơm bát ngát, bay xung quanh rồi lan rộng ra, hơn một giờ mới tan. Khi đó trong nhà không có ai đốt hương cả. Gia nhơn cùng những người phúng điếu đến gần linh cữu của ông, ai nấy đều nghe mùi hương lạ thơm sực nức. Lúc sanh thời, bà vợ Thạch Chi hỏi rằng: “Trọn ngày ông chăm chăm tu tịnh nghiệp, có chi để làm bằng chứng chăng?” Ông đáp: “Ngày sau tôi vãng sanh, sẽ phóng mây hương cho bà biết tin tức!” Ban sơ người vợ chỉ nghĩ là lời nói cho qua, đến bây giờ mới biết quả có ứng nghiệm.

Comments

Popular posts from this blog